---- trái
Tắt Quảng Cáo [X]
Đăng nhập

Flag Counter

Đặt quảng cáo của bạn ở đây
Liên hệ: E-Mail: nhathohoanghuy@gmail.com
Giá thoả thuận
Kích thước thỏa thuận

QUÝ VỊ ĐỘC GIẢ VUI LÒNG TRUY CẬP THEO ĐỊA CHỈ HTTP://WWWW.THIENUY.ORG.VN VÀ HTTP://WWWW.THIENUYGROUP.COM ĐỂ THEO DÕI THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM PHONG THỦY THIÊN UY

Ly kỳ chuyện Gia Cát Lượng xem phong thủy định kinh đô
Lượt xem: 196
Câu nói “Chung Sơn long bàn, Thạch Thành hổ cứ”, của Gia Cát Lượng thật không hề đơn giản, bởi lẽ chỉ một câu nói ấy đã giúp thành phố Nam Kinh trở thành một trong 3 kinh đô phồn hoa và lâu đời bậc nhất trong thời phong kiến của Trung Quốc…

Gia Cát Lượng là quân sư số 1 của Hoàng đế nhà Thục Hán- Lưu Bị thời Tam Quốc, một nhân vật truyền kỳ thời cổ đại. Đến thời Minh, cuốn tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” càng khiến cho Gia Cát Lượng trở nên nổi tiếng, tới mức nhắc tới cái tên Gia Cát Khổng Minh không ai là người không biết.

Không chỉ nổi tiếng như một nhà quân sự, một nhà chính trị, Gia Cát Lượng còn được biết đến như một chuyên gia về phong thủy thời cổ đại. Lúc bấy giờ, phong thủy học vẫn chưa được xác lập một cách chính thức, tuy nhiên, việc tìm hiểu và vận dụng phong thủy thì đã tồn tại. Thời Gia Cát Lượng, việc xem phong thủy được gọi là “tướng địa” (xem hình thế đất). Từ “phong thủy” chỉ bắt đầu xuất hiện từ thời Đông Tấn khi một thầy phong thủy là Quách Phác đặt ra để gọi tên thuật “tướng địa”.
Những nơi được Gia Cát Lượng xem địa thế và coi là nơi “bảo địa” về phong thủy ắt hẳn là rất nhiều nhưng nơi nổi tiếng nhất và có lẽ là thành công nhất chính là vùng đất khi đó có tên gọi Mạt Lăng, tức cố đô Nam Kinh, kinh đô của 10 triều đại sau này. 60 năm trước đây, Nam Kinh vẫn là thủ đô của Trung Quốc, là trung tâm về chính trị và kinh tế của chính quyền Quốc Dân đảng.

Vì sao Gia Cát Lượng lại nghĩ tới chuyện xem phong thủy cho Nam Kinh? Điều này chính sử không có ghi chép hầu hết chỉ xuất hiện trong các truyền thuyết dân gian. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà việc Gia Cát Lượng xem phong thủy cho đất Nam Kinh trở thành một câu chuyện đậm chất truyền kỳ.

Truyền thuyết kể rằng, vào thời Hán Hiến Đế trị vì, thiên hạ đại loạn. Sau nhiều năm tranh giành, cuối cùng cũng hình thành 3 thế lực lớn mạnh nhất lúc bấy giờ gồm Tào Tháo ở phía Bắc, Tôn Quyền ở phía Nam và Lưu Bị ở phía Tây. Trong số đó, thế lực của Tào Tháo được coi là có lợi thế hơn cả vì có trong tay Hán Hiến Đế và theo danh nghĩa, Tào Tháo vẫn là thừa tướng triều Hán.
ghsqrb_20170612_ly_ky_chuyen_gia_cat_luong_xem_phong_thuy_dinh_kinh_do

Trước khi Tào đem quân xuống phía Nam, do thế lực còn yếu, quân Thục của Lưu Bị quyết định sẽ liên minh với Ngô chống lại Tào Tháo. Với tư cách là quân sư của quân Thục, Gia Cát Lượng được Lưu Bị phái sang Đông Ngô để thuyết phục Tôn Quyền liên minh với quân Thục. Gia Cát Lượng theo đường thủy tới Nam Kinh, sau khi lên bờ thì đi đường bộ qua núi Thanh Lương nằm ở phía Tây thành Nam Kinh cảm thấy ngỡ ngàng với cảnh tượng trước mắt.

Dừng ngựa quan sát, Gia Cát Lượng phát hiện ra rằng khí thế của thành Nam Kinh hoàn toàn không tầm thường, hiện rõ khí thế đế vương. Tức cảnh sinh tình, ngồi trên lưng ngựa, Gia Cát Lượng cảm khái nói rằng: “Chung sơn long bàn, Thạch Thành hổ cứ, chân đế vương chi trạch”, nghĩa là: Núi Chung Sơn có địa thế rồng cuộn, Thạch Thành có địa thế hổ chầu, thực là nơi ở của bậc đế vương.

Câu nói này của Gia Cát Lượng dù không thấy được ghi chép trong cuốn sử “Tam Quốc chí” của tác giả Trần Thọ, song lại được rất nhiều sử sách khác ghi chép. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là, câu nói của Gia Cát Lượng đã tạo nên một ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của thành Nam Kinh sau này.

Nói cách khác, Nam Kinh sở dĩ trở thành đất đế đô của 10 triều đại phong kiến thời cổ đại rồi trở thành thủ đô đầu tiên của Trung Quốc thời hiện đại tất cả là nhờ công của Gia Cát Lượng. Bởi lẽ nếu như không có câu nói này của Gia Cát Lượng thì kinh đô của Đông Ngô, vương triều đầu tiên định đô ở Nam Kinh có lẽ sẽ được đặt ở Vũ Xương và cảnh tượng “đế đô” phồn hoa đô hội của Nam Kinh có lẽ sẽ phải chậm trễ tới vài thế kỷ.

Tại sao Gia Cát Lượng lại rút ra kết luận Nam Kinh “nơi ở của bậc Đế vương”? Theo các chuyên gia về phong thủy thì phần phong thủy mà Gia Cát Lượng nhìn thấy ở Nam Kinh nằm ở 4 chữ đầu tiên: “Chung Sơn long bàn, Thành Thành hổ cứ”.

Nếu chiếu theo địa thế của Nam Kinh thời bấy giờ thì phía Đông của Nam Kinh là dãy Chung Sơn uốn lượn, hình dáng giống như một con rồng đang bay lượn còn ở phía Tây là thành Thạch Đầu (tức là núi Thanh Lương, nơi Gia Cát Lượng đi qua) được xây dựng ngay cạnh sông, hình dáng giống như một con mãnh hổ. Từ việc xem địa thế này mà Gia Cát Lượng rút ra kết luận: “Đây thực sự mảnh đất tốt để các bậc Đế vương xây dựng sự nghiệp của mình”.

Sau này, Tôn Quyền tin theo lời của Gia Cát Lượng, lại thêm sự kích động của Lưu Bị, Tôn Quyền đã quyết định dời kinh đô của Đông Ngô từ Vũ Xương tới Mạt Lăng, đổi tên nơi này thành Kiến Nghiệp, với ý là chọn nơi này làm nơi xây dựng bá nghiệp của mình. Mạt Lăng hay Kiến Nghiệp sau này chính là thành Nam Kinh ngày nay.

Vì sao Lưu Bị cũng nói về chuyện phong thủy của Nam Kinh? Có phải là Lưu Bị nói theo Gia Cát Lượng? Tìm kiếm trong sử sách, người ta lại phát hiện ra rằng, hóa ra Lưu Bị cũng từng xem phong thủy cho Nam Kinh.


 
Theo sách “Kiến Khang thực lục” thì vào những năm Kiến An, có lần Lưu Bị đi thuyền tới Kinh Khẩu, nay là Trấn Giang trên đường đi qua Nam Kinh đã lên bờ, đồng thời nghỉ đêm tại đây. Lưu Bị cảm thấy Nam Kinh là nơi đất tốt, là nơi có thể xây dựng sự nghiệp vì vậy sau này mới khuyên Tôn Quyền dời đô tới nơi đây.

Theo các chuyên gia phong thủy, địa thế phong thủy của Nam Kinh tốt hơn hẳn so với các cố đô của Trung Quốc như Tây An, Lạc Dương. Duy nhất chỉ có Bắc Kinh có thể đem ra so sánh với Nam Kinh về phong thủy. Sách “Nhật hạ cự văn khảo” được biên soạn theo chỉ dụ của Càn Long dẫn lời sách “Dương Văn Mẫn tập” thời Minh viết: “Hình thế núi sông trong thiên hạ hùng tráng đẹp đẽ có thể trở thành đất kinh đô thì không nơi nào có thể bằng được Kim Lăng”. Đây có lẽ cũng là lý do mà Chu Nguyên Chương sau khi khởi nghĩa đánh bại nhà Nguyên đã quyết định chọn Nam Kinh làm kinh đô.

Sử sách chép, năm Hồng Vũ thứ 2, tức năm 1369, Chu Nguyên Chương và quần thần họp bàn về việc lựa chọn nơi đặt kinh đô. Mặc dù từ đầu, Chu Nguyên Chương đã có ý dời đô, lựa chọn Bắc Kinh hoặc Quan Trung. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, cuối cùng, Chu Nguyên Chương vẫn cho rằng phong thủy của Nam Kinh là tốt nhất. Theo sách “Minh Thái Tổ thực lục”, Chu Nguyên Chương đã nói: “Nay đất Kiến Nghiệp có sông Trường Giang hiểm trở, địa thế rồng cuộn hổ chầu, là nơi đất tốt của Giang Nam, đủ để là nơi lập nước…”.
123103

Quỷ kế của Gia Cát Lượng?

Mặc dù là “nơi ở của bậc Đế vương”, tuy nhiên, phong thủy của Nam Kinh cũng không thể đảm bảo rằng, vận mệnh của một vương triều có thể kéo dài mãi mãi. Ngược lại, có rất nhiều vương triều chọn Nam Kinh làm kinh đô đều rơi vào kết cục “đoản mệnh”.

Sau khi Tôn Quyền chọn Nam Kinh làm kinh đô của Đông Ngô chỉ tồn tại được 59 năm, từ năm 229 tới năm 280 thì bị nhà Tây Tấn tiêu diệt. Điều kỳ lạ chính là, sau Đông Ngô, các triều đại tiếp theo lựa chọn Nam Kinh làm kinh đô cũng đều rơi vào cảnh “đoản mệnh” như vậy. Ngoại trừ nhà Minh nhờ vào việc dời đô tới Bắc Kinh nên tồn tại được 277 năm, còn lại 8 vương triều khác, nhiều nhất như Đông Tấn chỉ tồn tại 104 năm, có vương triều như Thái Bình Thiên Quốc chỉ tồn tại vỏn vẹn 12 năm.

10 vương triều chọn Nam Kinh làm kinh đô thì có tới 9 vương triều “đoản mệnh”, một vương triều phải dời đô mới có thể kéo dài thời gian thống trị của mình. Điều này khiến người ta cảm thấy nghi ngờ về địa thế phong thủy được gọi là “nơi ở của bậc Đế vương” của Nam Kinh. Chính vì thế, sau này tới thời Trung Hoa dân quốc khi quyết định chọn Nam Kinh làm thủ đô cũng đã gây ra nhiều tranh cãi trong bộ phận lãnh đạo chính quyền lúc bấy giờ.

Có người cho rằng, việc Nam Kinh trở thành đất “đế đô”, trước nay chỉ dựa vào một câu nói của Gia Cát Lượng mà không có ai kiểm chứng. Vì vậy, người đời sau kể từ Tôn Quyền cho tới chính phủ Trung Hoa dân quốc đều trúng “quỷ kế” phong thủy của Gia Cát Lượng.

Nhiều người cho rằng, Nam Kinh quả thực là đất có “vương khí”. Từ thời Tần Thủy Hoàng, “vương khí” này đã xuất hiện. Tuy nhiên, do địa thế phong thủy của Nam Kinh thiếu “Huyền Vũ ở phía sau”, lại thêm nằm quá gần dòng Trường Giang, hình thành thế “phía trước có gương”- đại kỵ trong phong thủy.

Nước sông chảy quá nhanh khiến phong thủy liên tục xoay vòng, vương khí lộ ra quá nhanh khiến cho việc thay đổi các vương triều cũng diễn ra nhanh. Đây chính là lý do khiến các vương triều chọn Nam Kinh làm kinh đô đều gặp phải kết cục “đoản mệnh” chứ không thể xây dựng được một sự nghiệp lâu dài. Đây là khuyết điểm lớn nhất trong địa thế phong thủy của Nam Kinh, đồng thời cũng là một khuyết điểm “chết người”.

Bởi vậy có người cho rằng Gia Cát Lượng vì muốn chuẩn bị cho sự thống nhất thiên hạ, khôi phục nhà Hán của Lưu Bị nên đã soạn ra âm mưu phong thủy này để hãm hại Tôn Quyền. Đầu tiên hãy cứ lừa cho Tôn Quyền dời đô về Nam Kinh, vì dù nơi đây quả thực có vương khí song lại không bền lại từng bị Tần Thủy Hoàng “trấn khí” nên một khi Đông Ngô dời đô về Nam Kinh thì quân Thục sẽ chỉ còn một đối thủ duy nhất phải đối đầu chính là Tào Tháo mà thôi.

Cách lý giải nói trên nghe có vẻ rất hợp lý. Tuy nhiên, thực tế, nó chỉ là cách gán ghép của những người giàu trí tưởng tượng mà thôi.

Các dãy núi tượng trưng cho rồng, nên thường gọi là “long mạch”, nơi long mạch cao lên người ta gọi là “long não”, nơi dãy núi bắt đầu gọi là “khởi long”, nơi mạch núi kết thúc gọi là “chú long” hoặc “long vĩ”,… Một nơi được gọi là “bảo địa” trong phong thủy thì phía sau lưng phải có long mạch đang tới, tức là phía sau lưng của nó phải có một dãy núi lớn hướng về, gần thì gọi là “tông sơn”, xa thì gọi là “tổ sơn” hay còn gọi là “tổ long”.

Theo cách lý giải này thì việc cho rằng địa thế của Nam Kinh là “phía trước có gương”, phía sau không có núi là hoàn toàn không đúng. Bởi lẽ ở bờ phía Nam của Trường Giang có rất nhiều núi, vì vậy không thể nói là không có núi được. Chỉ có điều, các dãy núi này phần lớn đều là núi nhỏ. Nếu như nói địa thế phong thủy của Nam Kinh có khuyết điểm thì hình thế của các ngọn núi này mới chính là khuyết điểm.

Ngoài ra, ngay cả khi Nam Kinh không có “tổ long” thì vẫn có “thủy long” lớn bậc nhất Trung Quốc chính là dòng Trường Giang. Con “thủy long” này xuất phát từ phía Tây, chảy cuồn cuộn về phía Đông khí thế vô cùng hùng vĩ, có thể 10 ngọn núi lớn cũng không thể bằng, người cổ đại gọi nó là “lạch trời”. Vì vậy, không thể nói Trường Giang chính là khuyết điểm trong địa thế phong thủy của Nam Kinh được, ngược lại nó chính là lợi thế khiến Nam Kinh trở thành mảnh đất đế đô khác hẳn với những kinh đô khác ở Trung Quốc thời cổ đại.

Cũng có nhiều người lại cho rằng, việc các vương triều chọn Nam Kinh làm kinh đô đều “đoản mệnh” là vì ở Nam Kinh, khí âm quá mạnh, mà dương khí thì quá yếu. Thực tế, đây cũng là cách lý giải không đáng tin cậy.

Từ góc độ phong thủy thì mộ phần và nước tượng trưng cho khí âm còn nhà ở và núi thì thuộc về dương. Các phía Bắc, Đông, Nam của Nam Kinh đều bị các mộ phần bao quanh, mới nhìn, tuy có vẻ như là âm khí quá mạnh. Tuy nhiên, “long đầu” là ngọn Chung Sơn, tòa vương phủ cũng như các tòa nhà tráng lệ trong thành Nam Kinh cũng khiến khí dương mạnh không hề kém.

Vì vậy, không thể nói là địa thế phong thủy của Nam Kinh bị mất cân bằng giữa phần khí âm và khí dương được. Hơn nữa, ngay cả Bắc Kinh, Tây An nơi nào cũng bị các phần mộ bao vây xung quanh. Do vậy, không thể lấy điểm này để lý giải cho khuyết điểm phong thủy của Nam Kinh.

Người ta thường nói, nhà ở thì gần nước, phần mộ thì gần núi, Nam Kinh gần sát sông Trường Giang, chính là nơi thích hợp nhất để con người sinh sống. Tổng kết lại, hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều nằm cạnh sông. Vì vậy, việc Gia Cát Lượng cho rằng Nam Kinh là “nơi ở của bậc Đế vương” là chính xác.

Còn như việc sự tồn vong của một vương triều là do kết quả tất yếu của sự vận động của các điều kiện lịch sử chứ không liên quan gì tới địa thế phong thủy. Trên thực tế, những gì đã diễn ra trong lịch sử cho thấy, quyết định vận mệnh của một vương triều chính là bản thân vương triều ấy. Giống như câu nói của Lương Tiêu Đế Tiêu Trạch đã sớm nhận ra trước khi thất bại và buộc phải tự sát rằng: “Lành dữ là do mình, vận số là do trời, trốn tránh cũng đâu có ích gì?”.
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Đặt quảng cáo của bạn ở đây
Liên hệ: E-Mail: nhathohoanghuy@gmail.com
Giá thoả thuận
Kích thước thỏa thuận

 

© Copyright 2016 by Thien Uy. All rights reserved.
® Trung Tâm Nghiên cứu Ứng dụng Phong Thủy Thiên Uy giữ bản quyền nội dung website này.
Email: nhathohoanghuy@gmail.com; huangguohui@thienuygroup.com

Chịu trách nhiệm nội dung: Luật gia.Hoàng Quốc Huy- Giám đốc Trung tâm Phong Thủy Thiên Uy

Toà nhà Saigon Centre số 65 đường Lê Lợi, phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM

TRỞ VỀ TRANG CHỦ

Tự tạo website với Webmienphi.vn